Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Ứng dụng tế bào gốc điều trị bệnh tim mạch tại Việt Nam

Ðề tài nhánh trong đề tài cấp Nhà nước về “Ðiều trị thử nghiệm tế bào gốc trong một số bệnh lý về tim mạch” vừa được Viện Tim mạch Việt Nam kết hợp với Bộ môn Tim mạch (Ðại học Y Hà Nội) và Khoa Huyết học Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 thực hiện nghiên cứu thành công bước đầu. Lần đầu ở nước ta, kỹ thuật điều trị này được sử dụng cho những tổn thương cơ tim không thể phục hồi, mở ra hướng điều trị cho hàng nghìn người không may bị các bệnh lý về tim mạch hiểm nghèo.

Khoảng một năm về trước, Viện Tim quốc gia tiếp nhận một người bệnh 67 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng phải cấp cứu vì bị nhồi máu cơ tim cấp. Sau khi đặt stent nong động mạch vành cũng như dùng các loại thuốc đặc trị, nhưng sức khỏe người bệnh không được cải thiện nhiều do vùng cơ tim bị nhồi máu vẫn hoạt động kém, phân số tống máu chỉ đạt dưới 40% (trong khi người bình thường đạt 55%) và có dấu hiệu suy tim. Nếu tình trạng này không được cải thiện, người bệnh sẽ hay gặp những cơn suy tim, khó thở gây nguy hiểm tới tính mạng. Cách duy nhất có khả năng cải thiện chức năng co bóp cho thất trái của tim người bệnh là liệu pháp ứng dụng tế bào gốc điều trị vùng cơ tim bị tổn thương. Tuy nhiên, kỹ thuật này mới đang ở dạng nghiên cứu tại Việt Nam. Mặc dù vậy, người bệnh và năm trường hợp khác bị bệnh lý tương tự đồng ý để bác sĩ ứng dụng phương pháp mới này trong điều trị bệnh với hy vọng mở ra một hướng đi mới trong điều trị bệnh lý tim mạch tại Việt Nam.
Theo TS Phạm Mạnh Hùng (Viện Tim mạch quốc gia), một trong những người thực hiện phương pháp mới này cho biết, các bác sĩ lấy khoảng 200 ml dịch tủy xương, tách lấy còn 10ml dung dịch chứa những tế bào gốc không chọn lọc, dùng ống thông như thủ thuật của tim mạch can thiệp bơm dung dịch tế bào gốc vào tận vùng cơ tim bị tổn thương. Bóng nong động mạch vành được bơm căng để gây tắc tạm thời động mạch vành – thủ phạm gây nhồi máu cơ tim, sau đó truyền tế bào gốc qua nòng của quả bóng nong nhằm kéo dài tối đa thời gian tiếp xúc giữa các tế bào gốc và mạng lưới vi mạch của động mạch vành bị nhồi máu. Ðánh giá tình trạng hoạt động của tim sau một năm điều trị bằng tế bào gốc,  TS Phạm Mạnh Hùng cho biết: các tế bào cơ tim bị nhồi máu của người bệnh được hồi phục, các chỉ số hoạt động của tim trở lại bình thường. Người bệnh có thể thực hiện các hoạt động cần tới sức lực như đi bộ, leo cầu thang, chạy bước nhỏ, mà không bị khó thở.
GS, TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, đây là kỹ thuật điều trị mới nhất trên thế giới cho những tổn thương cơ tim không thể phục hồi. Sáu người bệnh đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện phương pháp mới này là những người bị nhồi máu cơ tim được điều trị nội khoa và can thiệp, nhưng khả năng co bóp đẩy máu của vùng cơ tim bị nhồi máu vẫn không bảo đảm, có dấu hiệu suy tim. Những người bệnh dưới 70 tuổi, phân số tống máu trong khoảng từ 30 đến 40% được chọn để thực hiện phương pháp này. Kết quả sau một năm thực hiện ứng dụng tế bào gốc vào điều trị, cả sáu người bệnh đều không bị biến chứng. Kết quả xét nghiệm, siêu âm tim, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch cho thấy các tổn thương được phục hồi, vùng cơ tim bị nhồi máu hoạt động được cải thiện rõ rệt. Cả sáu trường hợp đầu tiên này đều được điều trị miễn phí vì đây là đề tài nhánh trong đề tài cấp nhà nước của Trường đại học Y Hà Nội với tên gọi “Ðiều trị thử nghiệm tế bào gốc trong một số bệnh tim mạch và cơ quan tạo máu”. Theo ước tính của các bác sĩ, chi phí cho một ca thực hiện ứng dụng tế bào gốc trong điều trị tổn thương vùng cơ tim khoảng hơn một trăm triệu đồng, bao gồm hóa chất, lọc tế bào gốc, chụp đánh giá vùng tổn thương…
Theo thống kê, số người bệnh nhồi máu cơ tim chiếm khoảng 10% tổng số hơn bảy nghìn người bệnh trong viện, trong số đó có khoảng từ 10 đến 20% người bệnh  sau khi được điều trị bằng các biện pháp can thiệp thông thường như nong, đặt stent, bắc cầu nối mạch vành… vẫn không cải thiện được chức năng tim. Kỹ thuật điều trị bệnh lý tim mạch phối hợp ứng dụng liệu pháp tế bào gốc mặc dù đang trong quá trình nghiên cứu nhưng đã khẳng định những thành công ban đầu, mở ra cơ hội sống khỏe cho những người không may mắn đó, tuy nhiên với chi phí nêu trên thì người bệnh nghèo khó tiếp cận được dịch vụ này. Dự kiến trong năm nay sẽ có 30 người bệnh được điều trị bằng phương pháp mới này.

From:
http://tebaogocvietnam.com (on Mar 28th, 2011)


Các "Sao" chia sẻ cảm nhận về sản phẩm làm đẹp từ tế bào gốc

Thiên đường và rào cản của tế bào gốc phôi người

6.000 USD cho lọ tế bào gốc là giá mà Công ty ES Cell International của Singapore đưa ra trên thị trường thế giới. Đó là một cái giá cực rẻ bởi từ lọ tế bào gốc này người ta có thể chữa được những căn bệnh “hot” nhất hiện nay như ung thư, tim mạch, tiểu đường hay quan trọng hơn là thay thế một bộ phận cơ thể mà không sợ bị thải loại.Điều đáng lưu ý ở chỗ ES Cell International chính là công ty đầu tiên trên thế giới thực hiện kinh doanh tế bào gốc phôi người. Tại sao đó không là một công ty của những cường quốc kỹ thuật như Mỹ, Anh hay Úc mà lại là một công ty của đảo quốc sư tử bé nhỏ?
Hiện nay trên thế giới có hai loại tế bào gốc chính đó là tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc phôi người. Trong đó tế bào gốc trưởng thành là loại tế bào gốc có nguồn gốc từ những tế bào thuộc một mô đã trưởng thành như máu cuống rốn, tủy sống… Hạn chế của loại tế bào gốc trưởng thành này là chúng không có khả năng biến hóa đa dạng. Ví dụ như tế bào gốc trưởng thành có nguồn gốc từ tủy sống chỉ có thể tạo ra các tế bào máu mới.
Trong khi đó tế bào gốc phôi người có khả năng biến hóa vô song. Từ một tế bào gốc ban đầu, nó có thể tạo thành bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể người như mong muốn và nó cũng là tiền đề để nhân bản vô tính. Tuy nhiên nguồn gốc của nó là lấy từ một bào thai người 4-5 ngày tuổi.
Ngoài ra còn một loại tế bào gốc nữa là tế bào gốc cuống rốn với khả năng ứng dụng nằm ở giữa hai loại tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc phôi người.
Là một phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay, tế bào gốc phôi người được dùng để chữa những căn bệnh nan y, đồng thời có thể khôi phục những loài thú đã tuyệt chủng. Tuy nhiên xét về mặt đạo đức – xã hội, kỹ thuật này gặp rất nhiều rào cản từ mọi phía.
Việc nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành trên con người bắt đầu vào những năm 1960. Thành công đầu tiên là khi các nhà khoa học áp dụng tế bào gốc trưởng thành vào việc chữa trị chứng bệnh rối loạn chức năng tự miễn dịch vào năm 1968. Kể từ thập kỷ 1970 trở đi, tế bào gốc trưởng thành được áp dụng rộng rãi để điều trị bệnh suy giảm miễn dịch và ung thư máu.
Song song đó, tế bào phôi người cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu và ứng dụng. Một trong những người sử dụng tế bào phôi người đầu tiên là nhà khoa học John Enders, người đoạt giải Nobel y học vào năm 1954 nhờ ứng dụng tế bào phôi người vào nghiên cứu virus bệnh sốt bại liệt.
Năm 1994, Ariff Bongso, một nhà khoa học Sri Lanka làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore, là người đầu tiên trên thế giới tách thành công tế bào gốc từ phôi người. Tuy nhiên do các trục trặc trong thông tin, thế giới hiện nay công nhận James Thomson của Đại học Wisconsin mới là người đầu tiên làm được việc này vào năm 1998.
Để có được một tế bào gốc phôi người, các nhà khoa học sẽ phải phá hủy một phôi người ở giai đoạn 4-7 ngày tuổi. Đây chính là nguyên nhân khiến kỹ thuật tế bào gốc phôi người gặp nhiều sự phản đối ở các nước Tây Âu.
Đa số các nước có nền khoa học phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức… đều chịu sự tác động rất mạnh của nhà thờ và hiện nay luật phá thai ở các nước này gặp nhiều khó khăn trước khi được thông qua. Và không có gì quá khó hiểu khi nhà thờ kịch liệt phản đối việc sử dụng một bào thai người 4-7 ngày tuổi vào mục đích nghiên cứu.
Trong khối EU có đến 9/15 thành viên cấm nghiên cứu tế bào gốc phôi người. Còn Mỹ, quốc gia có nền kỹ thuật và nghiên cứu hàng đầu thế giới, chính là nước đi đầu trong việc chống đối nghiên cứu tế bào phôi người.
Vào năm 2001, Tổng thống George Bush đã ban hành lệnh cấm dùng tài trợ liên bang cho những nghiên cứu về tế bào gốc nói chung. Và mới nhất vào tháng bảy năm nay, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình Tổng thống Bush đã dùng quyền phủ quyết nhằm chống lại tất cả những nỗ lực để dỡ bỏ lệnh cấm năm 2001 của ông.
Tận dụng cơ hội Mỹ và những nước có nền kỹ thuật hàng đầu thế giới vướng phải một số rào cản về tôn giáo, chính trị không thể nghiên cứu và phát triển tế bào gốc phôi người, các nước châu Á nhận thấy đây là cơ hội cho mình và họ đã không ngần ngại đầu tư rất nhiều tiền vào công nghệ mới này. Và ngày hái quả đã đến.
Năm 2004, một nhóm nhà khoa học Anh sau chuyến tham quan cơ sở vật chất tại bốn điểm Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul và Singapore đã “há hốc mồm” khi tận mắt chứng kiến các phòng thí nghiệm tế bào gốc tại đây vì nó hoàn toàn vượt trội so với phương Tây.
Trên blog của mình, ông Michael Kanellos, biên tập viên của CNET News.com, đã viết một bài với tựa đề “Muốn nghiên cứu tế bào gốc? Hãy đến Singapore”. Ông viết: “Nếu bạn là một nhà nghiên cứu tế bào gốc phôi người, hãy đặt ngay một chuyến bay đến Singapore. ES Cell International đã bắt đầu kinh doanh tế bào gốc phôi người đạt đủ tiêu chuẩn y khoa. ES mạnh dạn tuyên bố cho đến nay chưa có một công ty nào trên thế giới có đủ sức để bán tế bào gốc đủ tiêu chuẩn như của họ. Singapore đặt mục tiêu trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ sinh học và dược phẩm, và dùng những ưu đãi đặc biệt để chiêu mộ nhân tài trên khắp thế giới trong lĩnh vực này”.
Theo số liệu từ Chính phủ Singapore, từ năm 2000 đến nay, nước này đã chi 949 triệu USD cho công tác nghiên cứu công nghệ sinh học và dự định chi một số tiền tương đương trong vòng năm năm tới. Ngoài ra Singapore cũng cho biết sẽ chi 8,2 tỉ USD cho công tác R&D (nghiên cứu và phát triển), đặc biệt trong lĩnh vực tế bào gốc trong vòng năm năm tới.
Đi đôi với trang thiết bị hiện đại là một chính sách tuyển mộ nhân tài khôn ngoan mà người được giao trọng trách này là giáo sư Philip Yeo. Ông Philip Yeo đã đi khắp thế giới với khẩu hiệu: “Hãy đến Singapore và hoàn thành công trình của bạn ở đó”. Sáu năm lang thang khắp thế giới của Yeo đã không hề vô ích khi có rất nhiều nhà khoa học tên tuổi lần lượt rời bỏ những trường hay viện nghiên cứu danh giá nhất nước Mỹ để đến Singapore làm việc. Hiện tượng này đã được một giáo sư tại Đại học Stanford gọi là “chảy máu chất xám”.
Năm 2002, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực tế bào gốc chuyển sang Singapore làm việc. Đó là Alan Colman, nhà khoa học Anh đứng đầu nhóm nhân bản vô tính thành công cừu Dolly vào năm 1997 (đầu quân về ES Cell Intemational với cương vị trưởng phòng khoa học). Năm 2003, Jackie Ying, giáo sư trẻ nhất trong lịch sử Viện Công nghệ Massachusettes, rời trường để đến Singapore.
Đầu năm nay, thêm hai tên tuổi nữa: giáo sư Edward Holmes và vợ Judith Swain – hai trưởng khoa tại Đại học California (Mỹ) – từ bỏ mức lương 450.000 USD/năm để sang làm việc tại Singapore.
Thức thời chậm hơn Singapore nhưng hiện Ấn Độ đang nổi lên trong phát triển công nghệ sinh học cao. Lợi thế của Ấn Độ là sở hữu một số dân khổng lồ nên không cần phải đầu tư quá nhiều cho việc tuyển mộ nhân tài. Đạo Hindu không đề cập việc nghiên cứu tế bào gốc phôi người, ngoài ra Ấn Độ buộc phải phát triển tế bào gốc phôi người, bởi vì kỹ thuật này chính là chiếc phao duy nhất giúp Ấn Độ chữa được số bệnh nhân ngày càng nhiều trong tổng dân số ngày càng tăng của nước này.
Trong giai đoạn 2005-2007, Ấn Độ dự định sẽ thành lập các trung tâm nghiên cứu tế bào gốc ở ít nhất 24 thành phố trên toàn quốc gia. Trong năm 2005, đã có 1.000 phụ nữ tự nguyện hiến máu cuống rốn của con họ (một nguyên liệu để tạo ra tế bào gốc) và con số này tăng lên rất nhiều trong năm nay.
Ngoài Singapore và Ấn Độ, tại châu Á không thể không nhắc đến ba nước Đông Bắc Á là Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nổi bật nhất trong ba nước này là Hàn Quốc với công trình nhân bản vô tính thành công một số động vật.
Trong năm 2001, Trung Quốc đã quyết định chi 36,3 triệu USD để thành lập một ngân hàng tế bào gốc, một trung tâm cấy ghép và một trung tâm phát triển kỹ thuật tế bào gốc. Cũng tương tự như Singapore, Trung Quốc chưa thể đào tạo những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, do đó cách duy nhất là phải chiêu mộ nhân tài từ những trường đại học hàng đầu của Mỹ.
Dù đã có những tiến bộ nhất định, nhưng rất nhiều chuyên gia cho rằng phải còn rất lâu các nước châu Á mới có thể ứng dụng kỹ thuật tế bào gốc vào công tác chữa bệnh thật sự. Các chuyên gia nhận định các nước châu Á chỉ có thể phát triển trong giai đoạn ngắn chứ không thể đủ sức để đi một chặng đường dài hơi.
Xét về tiềm lực tài chính, số tiền của Chính phủ Singapore đưa ra (đã nói ở trên) hay như 27 triệu USD trong hai năm mà Chính phủ Hàn Quốc chi cho việc nghiên cứu tế bào gốc không thấm tháp gì so với số tiền 27 tỉ USD mà Viện Sức khỏe quốc gia của Mỹ chi ra mỗi năm.
Thứ hai về nhân sự. Hiện nay ở châu Á chưa có trường đại học nào có đủ khả năng tự đào tạo ra những nhà khoa học đủ đẳng cấp để có thể tạo đột phá trong lĩnh vực tế bào gốc. Ngay cả một nước có dân số đông nhất thế giới như Trung Quốc cũng phải nhập khẩu những nhà khoa học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Hay như Singapore – được mệnh danh là thiên đường của tế bào gốc – rất khó tìm được một nhân tài chỉ với vỏn vẹn 4,4 triệu dân.
Với tiềm lực hơn hẳn, những nước phương Tây đã bắt đầu rục rịch thực hiện những cuộc đầu tư lớn trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc. Chỉ riêng tại bang Califomia, thống đốc bang Amold Schwarzeneger đã hứa sẽ chi 150 triệu USD để nghiên cứu tế bào gốc. Tuy nhiên dự án bị trì hoãn do chưa được phép.
Một khi Mỹ không được phép nghiên cứu tế bào gốc, tình hình nghiên cứu trong lĩnh vực này trên toàn thế giới có thể nói như rắn không đầu. Dù các nước châu Á có phát triển đến đâu đi nữa thì những phương tiện hiện đại nhất vẫn thuộc về nước Mỹ. Do không được phép của chính phủ, các nhà khoa học Mỹ vẫn đang loay hoay với 21 dòng tế bào gốc cũ nên vẫn chưa tạo được bất kỳ bước đột phá nào trong lĩnh vực này.
Đây là một sự lãng phí vô cùng đối với điều kiện cơ sở vật chất và nhân tài mà nước Mỹ đang sở hữu. Và trong tương lai không xa, khi mà kỹ thuật tế bào gốc không còn gặp phải những rào cản đạo đức – xã hội, Mỹ có lẽ sẽ lấy lại vị thế dẫn đầu ở ngành khoa học tiên tiến này.


Đức: Cấm nghiên cứu tế bào gốc lấy từ phôi của người Đức nhưng cho phép nghiên cứu đối với tế bào nhập khẩu hợp pháp, và được phép hỗ trợ công khai cho nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành và tế bào gốc phôi động vật.
Pháp: Cho phép sử dụng phôi người để nghiên cứu tế bào gốc nhưng cấm nhân bản vô tính.
Anh: Cho phép nghiên cứu tế bào gốc người với mục đích chữa bệnh với điều kiện sử dụng phôi thai bị bỏ trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Nhân bản vô tính phôi để nghiên cứu bệnh tật cũng được cho phép.
Thụy Điển: Cho phép nghiên cứu tế bào gốc sử dụng phôi người bị bỏ trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Thụy Điển đã tạo ra 10% lượng tế bào gốc hiện hữu trên toàn thế giới.
Israel: Không có luật chính thức và gặp ít sự phản đối từ cộng đồng. Những nhà nghiên cứu tại hai trường đại học đã tạo ra được bốn dòng tế bào gốc và đang trong quá trình tạo thêm nhiều dòng nữa.
Úc: Cấm hoàn toàn công nghệ nhân bản vô tính nhưng chưa nhất trí về việc nghiên cứu tế bào gốc.
Nhật: Luật cho phép nghiên cứu trên phôi người bị bỏ trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Nếu nhân bản vô tính sẽ bị phạt tối đa 10 năm tù và 90.000 USD.
Singapore: Thành lập một đội ngũ gồm các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực như triết học, khoa học tự nhiên và luật để nghiên cứu vấn đề đạo đức trong nghiên cứu công nghệ sinh học. Đại học Quốc gia Singapore đã tạo ra sáu dòng tế bào gốc và đang được ES Cell International kinh doanh.
Trung Quốc: Nghiên cứu trên tế bào phôi bị cấm, tuy nhiên nước này cho phép nghiên cứu tế bào gốc có nguồn gốc từ máu cuống rốn.

Việt Báo
(Theo_TuoiTre)

Tế bào gốc và Ứng dụng trong điều trị thẩm mỹ

Tế bào gốc là tế bào mầm hay tế bào nền móng mà từ đó các loại tế bào của cơ thể con người được tạo ra .
Mọi tế bào trong cơ thể người đều được tạo ra từ tế bào nền móng của hợp tử tức trứng đã thụ tinh là sự kết hợp giữa tinh trùng và noãn bào. Vậy hợp tử là một loại tế bào gốc có khả năng tạo ra tất cả các loại tế bào khác, gọi là tế bào gốc toàn năng.
Tế bào gốc tạo ra hơn 200 loại tế bào khác nhau của cơ thể. Do đó tế bào gốc có khả năng không giới hạn trong việc tạo ra các tế bào chuyên biệt để đảm trách các chức năng khác nhau của cơ thể như tế bào máu, tế bào da, tế bào thần kinh… Đó chính là khả năng kỳ diệu của tế bào gốc, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới trong y học nhằm hướng tới nghiên cứu các ứng dụng trị liệu thay thếsửa chữa những tổn thương tế bào do bệnh lý hay lão suy.
Đặc tính của tế bào gốc là khả năng phân chia không giới hạn, khả năng tự tái tạo trong khoảng thời gian dài không bị biệt hóa và có thể phát triển thành các loại tế bào chuyên biệt khi ở điều kiện thích hợp.
Tế bào gốc có 2 loại : tế bào gốc toàn năng và tế bào gốc đa năng :
TBG toàn năng : có khả năng tạo ra tất cả các loại TB chuyên biệt khác nhau, có khả băng tạo ra một cơ thể riêng biệt.                     
TBG đa năng : có khả năng tạo ra  hầu hết các tế bào chuyên biệt của cơ thể nhưng không thê tạo ra một cơ thể. Đây chính là loại tế bào gốc được ứng dụng trong nhiều ngành về y học và thẩm mỹ.
Chức năng của tế bào gốc :      
Đặc tính của tế bào gốc là khả năng phân chia không giới hạn, khả năng tự tái tạo trong khoảng thời gian dài không bị biệt hóa và có thể phát triển thành các loại tế bào chuyên biệt khi ở điều kiện thích hợp.
.
Chức năng của tế bào gốc : 
   -Tế bào gốc có thể biệt hóa thành các dạng tế bào khác nhau của cơ thể.            
   -Tế bào gốc  hoạt động như  một hệ thống sửa chữa, tái tạo bằng cách phân chia không giới hạn để bổ sung các dạng tế bào khác nhau. 
   - Tế bào gốc khi phân chia sẽ tạo ra tế bào tương tự nó hoặc tế bào chuyên biệt có chức năng của một cơ quan trong cơ thể.   
    - Hầu hết sửa chữa mô trong cơ thể người là do kích hoạt hệ thống tế bào gốc. Nhờ vậy mà từ tế bào gốc người ta có thể tạo ra nhiều dòng tế bào khác nhau chứa trong các sản phẩm với ứng dụng đạt hiệu quả trong chữa bệnh và thẩm mỹ.
     -Tế bào gốc là tế bào có khả năng phân chia mạnh và không có giới hạn, có khả năng sinh sản và tạo nên các tế bào khác có những chức năng chuyên biệt một khi được cấy vào một môi trường thích hợp.

Tế bào gốc được lấy từ đâu ? Tế bào gốc hiện nay có 4 nguồn gốc với 4 dạng như sau :
-Tế bào gốc phôi lấy trực tiếp từ phôi thai trong giai đoạn phôi bào tức là hợp tứ sau 6-7 ngày đã thụ tinh.
-Tế bào gốc thai lấy từ tế bào gốc đa năng của mô bào thai bị hủy do phá thai.
-Tế bào gốc từ dây rốn tức từ màng dây rốn và máu dây rốn của thai nhi sau khi sinh ra.
-Tế bào gốc từ người trưởng thành lấy từ các mô trưởng thành của người trưởng thành.
Công nghệ tế bào gốc và ứng dụng :Công nghệ tế bào gốc là ngành công nghệ nghiên cứu về tế bào gốc và những ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Một trong những khả năng kỳ diệu của cơ thể là khả năng tái tạo hay tái sinh.
Tế bào gốc trong cơ thể làm việc  như một hệ thống sửa chữa, tái tạo bằng cách phân chia thành các tế bào chuyên biệt để bổ sung các dạng tế bào có những chức năng tương ứng cho các tế bào hư, bệnh, giảm chức năng hay mất chức năng cần được thay thế.
Công nghệ Tế bào gốc tìm kiếm các nguồn tế bào gốc tốt nhất, nuôi cấy, nhân rộng ra và tác động theo một cách khoa học để có thể biệt hoá thành những dòng tế bào khác nhau để chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp, và chống lão hoá.
Công nghệ tế bào gốc mở ra một hứa hẹn có thể chữa được bá bịnh do tác động thay thế hay sửa chữa những  tế bào cơ thể ngưng hoạt động hay không làm việc theo đúng như chức năng của chúng, hoặc do bởi các mô cơ thể bị hủy hoại.

Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong thẩm mỹ :
Công nghệ Tế bào gốc đặc biệt được sử dụng thành công trong các ứng dụng về da: điều trị các tổn thương da như bỏng ; các bệnh lý da và chăm sóc da thẩm mỹ; hỗ trợ chất lượng liền sẹo trong ngoại khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.
Các loại sản phẩm của công nghệ tế bào gốc trong thẩm mỹ :
- Sản phẩm là dung dịch nuôi cấy tế bào, khi thẩm thấu vào da sẽ cung cấp chất bổ dưỡng cho tế bào gốc da. Tế bào gốc da sẽ khoẻ và mạnh, sinh ra những tế bào mới khỏe mạnh mang theo các đặc tính sinh học của da sẽ được cải thiện.
- Sản phẩm là dung dịch nuôi cấy chứa tế bào gốc đa năng khi đi vào da tế bào gốc có thể biệt hóa thành các tế bào thượng bì hay trung bì phát triển dồi dào giúp cho sự thay mới, làm trẻ hóa da hay thay những tế bào hư hại bằng những tế bào trẻ khỏe với chức năng đầy đủ và vững mạnh.
Sản phẩm từ tế bào gốc dùng trong mục đích chống lão hóa, làm mờ vết nhăn tốt hơn các sản phẩm cùng loại.
Sản phẩm có ưu điểm là ít phản ứng phụ , không bị đào thải,  duy trì được tác dụng lâu hơn 8-12 tháng.

Tác dụng và hiệu quả của ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong trị liệu da thẩm mỹ :
- Làm mạnh mẽ hơn lên những tế bào gốc trưởng thành ở da
- Nhờ đó sinh ra nhiều những tế bào mới khỏe mạnh thay thế tế bào già cỗi hay hư tổn
- Làm da mịn, có nhiều độ ẩm nên mượt mà trẻ trung
- Làm da nhạy cảm được cải thiện rõ rệt tình trạng sẩn, viêm, đỏ da
- Làm các vết nhăn gãy sâu mờ nhạt
- Làm trắng da
- Làm lành da, liền sẹo, đầy sẹo lõm
- Làm mụn trong giai đoạn nặng hồi phục nhanh
- Làm da lão hóa-dày sừng-cằn cỗi trở nên mịn , mượt và tươi sáng.
- Làm da săn trẻ, giảm đi sự lỏng lẻo.

From:
http://www.eva.vn

Phan Toàn Thắng - Nhà nghiên cứu tế bào gốc “tình cờ”

Tháng 7/2005, nhiều tờ báo y học lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin: Một công ty công nghệ sinh học Singapore đã nghiên cứu thành công việc phát triển tế bào gốc từ một bộ phận đặc biệt mà trước đây ít nhà khoa học nào chú ý là cuống dây rốn.

Điều này được giới nghiên cứu tế bào gốc quốc tế đánh giá là hướng đi đột phá đầy triển vọng đối với ngành nghiên cứu tế bào gốc thế giới. Và điều gây bất ngờ đối với nhiều người là nhà khoa học chủ trì dự án nghiên cứu mang tính đột phá trên là một người Việt Nam: Đó là Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Phan Toàn Thắng, một bác sĩ người Việt Nam công tác tại Đại học Quốc gia Singapore.

PGS.TS Phan Toàn Thắng chính là người đầu tiên trên thế giới tìm ra công nghệ tách tế bào gốc từ cuống dây rốn. Công nghệ này sẽ giúp điều trị nhiều căn bệnh nan y như ung thư, chống lão hóa, bỏng, tiểu đường...

PGS.TS Phan Toàn Thắng sinh năm 1968 tại Hà Nội, trong một gia đình công chức nghèo. Tuy vậy, bố mẹ anh đã dành tất cả mọi khả năng để nuôi cho các con học. Theo Phan Toàn Thắng, thời học tiểu học và trung học, học lực của anh không có gì nổi trội, mà người thành công nhất trong gia đình về học vấn khi đó là Phan Phương Đạt, em trai của anh (hai lần đoạt giải toán quốc tế; tốt nghiệp Tiến sĩ toán học tại Nga năm 1998). Thắng đã đến với ngành y một cách khá tình cờ. Ban đầu, anh không có ý định thi vào ngành y, nhưng bạn bè của bố Phan Toàn Thắng ở Học viện Quân y đã khuyên bố mẹ anh nên cho một người con theo học nghề y để chăm sóc sức khoẻ cho gia đình. Và thế là, Thắng đã đăng ký thi vào Học viện Quân y…

Dù được coi là “tình cờ”, nhưng ngay khi còn là một sinh viên, Phan Toàn Thắng đã thể hiện những khả năng học tập và nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực y học. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân Y năm 1991, Thắng về công tác tại Viện Bỏng quốc gia cho đến khi anh sang làm thực tập sinh tại Viện Nghiên Cứu Liền Vết Thương của trường Đại học Oxford của Vương Quốc Anh vào năm 1995.

Khi mới bắt đầu học về công nghệ nuôi cấy tế bào da ở Đại học Oxford danh tiếng, Phan Toàn Thắng vẫn chưa hề tiếp xúc với kiến thức khoa học và phòng thí nghiệm hiện đại vì anh chỉ quen làm lâm sàng điều trị bệnh nhân. Bởi vậy, so với các đồng nghiệp cùng lứa từ Đức, Áo, Thụy Điển, Trung Quốc... thì điểm xuất phát của Thắng là thấp nhất và kém nhất lúc đó. Các bạn Trung Quốc còn có đồng nghiệp đồng hương lứa trên để hỏi, còn anh chẳng biết hỏi ai. Dù vậy, Phan Toàn Thắng đã dồn hết nỗ lực để học tập và nghiên cứu, và anh đã theo kịp được các đồng nghiệp đó. Thời gian 2 năm thực tập sinh tại trường Đại học Oxford đã giúp cho các kỹ năng và lòng say mê nghiên cứu của Phan Toàn Thắng được củng cố thêm lên.

Năm 1997, Phan Toàn Thắng về nước, sau đó anh sang Singapore và làm việc, nghiên cứu tại khoa Phẫu Thuât Tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Singapore(SGH) trong 5 năm. Năm 2002, Phan Toàn Thắng hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Trước khi chuyển công tác sang Trường Đại học Quốc gia Singapore vào năm 2004, Phan Toàn Thắng đã có 2 năm nghiên cứu tại Khoa Ngoại và Viện nghiên cứu ngoại nhi, trường Đại học Stanford nổi tiếng của Mỹ. Anh là người đầu tiên trong hai năm liền được giải thưởng khoa học trẻ của Hội đồng nghiên cứu khoa học quốc gia Singapore. Phan Toàn Thắng cũng đã được trao Giải thưởng khoa học quốc tế của Hội đồng nghiên cứu phẫu thuật tạo hình Mỹ 2001. Hiện nay, PGS.TS Phan Toàn Thắng đang làm việc tại Bộ môn Ngoại, Đại học Quốc gia Singapore.

Phan Toàn Thắng cho biết, việc nảy ra ý định nghiên cứu phát triển nguồn tế bào gốc từ cuống dây rốn đã tình cờ đến với anh năm 2004, sau khi nhận được những dây rốn gửi tới phòng nghiên cứu của Thắng. Tế bào gốc là loại tế bào sơ khai chưa biệt hóa, có trong tuỷ, phôi thai và tế trong dây rốn, nhau thai người.

Là chuyên gia nghiên cứu về da và vết thương, Phan Toàn Thắng đã thành công trong việc áp dụng những kỹ thuật mà anh đã nghiên cứu để tách tế bào da và cuống dây rốn. Tuy nhiên, môi trường nuôi cấy tế bào gốc là một điều cực kỳ quan trọng, và anh đã mày mò tốn khá nhiều thời gian để tìm ra được môi trường nuôi cấy phù hợp cho loại tế bào gốc này. Và cuối cùng thì anh đã thành công. Công ty CordLabs Pte Ltd, nơi anh làm giám đốc khoa học, đã bỏ ra 200.000 USD để đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu bản quyền Mỹ.

Tế bào gốc có khả năng được chuyển đổi để phát triển thành rất nhiều loại tế bào mô khác nhau của cơ thể. Khả năng này cho phép chúng hoạt động như một hệ thống sửa chữa của cơ thể bù đắp cho những tế bào chết đi. Hiện nay, rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đang ra sức nghiên cứu tìm cách ứng dụng tế bào gốc để chữa trị nhiều căn bệnh và thương tích khác nhau cho con người. Việc tìm ra công nghệ tách và nuôi cấy tế bào gốc của PGS.TS Phan Toàn Thắng đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận và được giới khoa học đánh giá là có ý nghĩa rất lớn trong sử dụng tế bào gốc vào nghiên cứu và điều trị. Phan Toàn Thắng đã được nhiều trung tâm, tập đoàn nghiên cứu lớn của Mỹ và châu Âu mời sang để thuyết trình công nghệ này.

Công nghệ của Phan Toàn Thắng có nhiều ưu điểm vượt trội như: không vi phạm y đức, không gây tổn thương cho cả mẹ và con, quá trình thu giữ dây rốn dễ dàng nên việc lưu giữ bảo quản đông lạnh rất thuận lợi và hiệu quả cho việc sử dụng tế bào gốc để điều trị cho gia đình và bản thân trong tương lai… Sau khi tìm ra công nghệ tách và nuôi cấy tế bào gốc gây tiếng vang trong dư luận quốc tế, hiện nay PGS.TS Phan Toàn Thắng đang làm việc với các đồng nghiệp ở trong nước để đào tạo và chuyển giao công nghệ này về Việt Nam.

Theo PGS.TS Phan Toàn Thắng, hiện nay cán cân chất xám đang nghiêng từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Anh cho rằng Việt Nam nên hợp tác nhiều hơn với các nước trong khu vực như Singapo để có thêm nhiều cơ hội học hỏi và nâng cao hiểu biết cho sinh viên trong nước.

“Tôi thấy các sinh viên Việt Nam do tôi đào tạo không thua kém gì các sinh viên nước bạn. Mình nên hợp tác nhiều hơn với các nước trong khu vực, tận dụng và kêu gọi người Việt làm khoa học tại các nước lân cận. Tôi được biết hàng năm, Singapo đầu tư rất nhiều tiền để mời các giáo sư nước ngòai về thỉnh giảng. Chúng ta nên hợp tác để nhân đó mời họ về Việt Nam. Singapo rất quý Việt Nam, họ sẽ sẵn sàng ủng hộ chúng ta. Những hợp tác như thế sẽ tối đa hóa thời gian, tiềm lực và tiết kiệm chi phí. Sinh viên mình lại có thêm nhiều cơ hội học hỏi và nâng cao hiểu biết”, anh nói.

Vũ Anh Tuấn
Theo vietsinginco.com.vn và báo chí trong nước